Sau thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, để giúp Bộ Quốc phòng tiếp quản, thu gom, quản lý các cơ sở kỹ thuật, vũ khí, khí tài cùng trang thiết bị quân sự trong chiến tranh để lại, ngày 23-8-1975 Tổng cục Kỹ thuật ra Quyết định số 20/QĐ-TK thành lập cơ quan đại diện của Tổng cục Kỹ thuật ở miền Nam, trong đó khu vực Cam Ranh lấy tên là B753. Tháng 12-1978, Tổng cục Kỹ thuật quyết định đổi phiên hiệu B753 thành Z753. Ngày 23-8-1975 được xác định là ngày thành lập Nhà máy Z753.
Những năm mới thành lập, mặc dù điều kiện nhà xưởng hư hỏng, không đồng bộ, tổ chức biên chế không ổn định, kinh nghiệm công tác còn hạn chế nhưng cán bộ, nhân viên đơn vị đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất, sửa chữa xe máy, vũ khí phục vụ cho các nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện và xây dựng lực lượng của Tổng cục Kỹ thuật.
Ngày 30-8-1979, Bộ Tổng Tham mưu điều Xưởng Z753 về trực thuộc Quân chủng Hải quân, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới của Z753 trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Thời gian này, đơn vị di chuyển từ bán đảo Cam Ranh đến địa điểm hiện nay.
Sửa chữa vũ khí tại Nhà máy. Ảnh: CTV
Từ ngày 1-1-1987, Nhà máy chính thức chuyển sang thực hiện chế độ hạch toán kinh tế. Mặc dù tình hình kinh tế, xã hội đất nước đang khó khăn song cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z753 đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết thống nhất, phát huy năng lực sản xuất quốc phòng, đã tạo được niềm tin với cấp trên và khách hàng, thông qua chất lượng sản phẩm.
Năm 1988, tình hình tranh chấp trên Biển Đông diễn biến phức tạp và căng thẳng, việc tổ chức chi viện đảo là một nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa”, không quản ngày đêm, mưa, nắng, cán bộ, công nhân viên Nhà máy đã nỗ lực khắc phục khó khăn để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ngay trong tháng đầu tiên của mùa vận tải, 30 chiếc xuồng nhôm do Nhà máy sản xuất đã được đưa ra đảo phục vụ bộ đội. Nhà máy đã kịp thời chuyển hướng sản xuất phục vụ cho nhiệm vụ cấp bách một cách linh hoạt và sáng tạo.
Trong những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, Nhà máy được cấp trên giao thêm nhiệm vụ tổ chức sửa chữa xe tăng, thiết giáp và vũ khí lục quân cho các đơn vị Hải quân ở khu vực phía Nam. Từ năm 1995, Nhà máy đã tổ chức các đội sửa chữa cơ động làm nhiệm vụ độc lập trên huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Mỗi năm có 5-7 đội cơ động, chất lượng sửa chữa VKTBKT ngày càng nâng lên. Đến nay các đội cơ động tiếp tục được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, trở thành lực lượng mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị huấn luyện, SSCĐ trong mọi tình huống.
Từ năm 2006 đến nay, Nhà máy đã tiếp nhận, sửa chữa, khôi phục thành công nhiều chi tiết trên các tàu Hải quân (nhất là tàu thuyền đặc chủng), xe ô tô quân sự, xe tăng-thiết giáp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, được thủ trưởng các cấp đánh giá cao.
Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của cấp trên, Nhà máy đã phát huy nội lực, trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như các thiết bị rà, đo, kiểm tra ứng dụng công nghệ siêu âm, tin học… nhờ đó Nhà máy đã sản xuất, phục hồi được nhiều chi tiết phức tạp, yêu cầu cao về công nghệ. Giá trị tài sản của Nhà máy đã tăng trên 20 lần.
Đối với chức năng một doanh nghiệp Nhà nước, Nhà máy có tên giao dịch: Công ty TNHH MTV Hải Khánh. Nhiều sản phẩm của Công ty phục vụ cho các đơn vị Quân đội và phục vụ dân sinh đã khẳng định được thương hiệu, được khách hàng đánh giá cao như: Sản xuất các sản phẩm cơ khí, các loại xuồng máy, sửa chữa ôtô; thiết kế, chế tạo và lắp đặt dây chuyền thiết bị sàng, tuyển, rửa cát công suất lớn; thiết kế, chế tạo cột ăng ten tự đứng cho các công ty viễn thông… Công ty TNHH MTV Hải Khánh đã được công nhận doanh nghiệp Nhà nước hạng I.
Từ năm 2016-2018, thực hiện Đề án đổi mới cơ cấu lại doanh nghiệp Quân đội, Nhà máy đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Giá trị sản lượng và doanh thu của Nhà máy năm sau cao hơn năm trước; thu nhập bình quân người lao động đạt mức khá trong khu vực.
6 tháng đầu năm 2020 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Nhà máy vẫn bảo đảm lương cho người lao động bình quân 9,4 triệu đồng/người/tháng. 3 năm liền Nhà máy được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”. Đảng bộ Nhà máy luôn được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nhiều năm liền đạt TSVM, các tổ chức quần chúng đạt vững mạnh xuất sắc.
45 năm xây dựng và trưởng thành, từ một cơ sở sửa chữa nhỏ với rất nhiều khó khăn, Nhà máy Z753 phát triển mạnh mẽ, từng bước khẳng định vị thế của một nhà máy quan trọng trong khu vực, một doanh nghiệp năng động, sáng tạo, thích ứng với cơ chế mới. Cán bộ, QNCN, CNVQP và người lao động qua các thời kỳ đã xây đắp truyền thống “Đoàn kết, năng động, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không ngừng phát triển”.
(Theo Hải quân Việt nam điện tử)